CHỮ “TÂM” TRONG ĐỔI MỚI ĐÁNH GIÁ HỌC SINH THEO THÔNG TƯ 30/ 2014 CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đổi mới đánh giá học sinh Tiểu học theo thông tư 30/ 2014, chính là việc chúng ta đang đưa Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, … ; Chiến lược phát triển giáo dục 2011– 2020 ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014 về Kế hoạch hành động của Ngành giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 29-NQ/TW vào cuộc sống. Để thực hiện tốt công tác đánh giá học sinh nói chung, chúng ta cần hơn ai hết chính là những người thầy cầm cân nảy mực trong các cơ sở giáo dục. “Những người thầy” nói chung ở đây không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà trên hết phải có tấm lòng, sự độ lượng, bao dung; phải có cái “tâm” theo đúng nghĩa người thầy- nhất là đối với đội ngũ giáo viên Tiểu học thì cần đòi hỏi cao hơn nữa là sự tỉ mỉ, ân cần, yêu thương, chăm sóc với tấm lòng nhân hậu của người mẹ hiền; sự gần gũi sẵn sàng chia sẻ của người bạn thân; sự công minh của một vị luật sư, thẩm phán; và phải luôn biết khích lệ, thắp sáng trong tâm hồn các em niềm đam mê của một nhà khoa học; tình thương và sự nghiêm khắc trong khuôn khổ của người cha hết lòng vì con cái. Để công tác đánh giá theo thông tư 30/ 2014 đạt kết quả, bản thân muốn phân tích thêm vấn đề liên quan xét từ những vấn đề bản thân hiểu và tâm đắc để công tác đánh giá đạt hiệu quả cao nhất, phản ánh đúng chất lượng giáo dục của nhà trường chính là cái “tâm” trong người thầy.Đúng vậy, dù ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào, ở thời kỳ nào và thế hệ nào, chữ Tâm luôn được coi trọng. Ta thường nghe và cũng thường nói:Làm việc gì cũng phải có tâm“. Tâm mang ý nghĩa là lương tâm đạo đức. Chữ “Tâm” của người Thầy giáo là tấm lòng, sự bao dung, nhân ái, độ lượng, vị tha… Trong đổi mới đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 30/2014 cũng vậy.        Nhớ về hai câu thơ trong kiệt tác truyện Kiều mà Đại thi hào Nguyễn Du từ thế kỷ XVIII, đã viết:

                       “Thiện căn bởi tại lòng ta

                     Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”

Riêng đối với nghề thầy giáo, chữ “tâm” lại cần hơn bất cứ nghề nào hết. Bởi sản phẩm của người thầy giáo là con người, thế hệ trẻ mà thầy cô giáo đào tạo hôm nay sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Nghề thầy giáo được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý (nghề “Trồng người“). Chữ “tâm” của người thầy được biểu hiện bằng việc thường xuyên tự bồi dưỡng, học hỏi, sáng tạo nâng cao kiến thức, trau dồi công tác chuyên môn, rèn đức, giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, phấn đấu và cống hiến vì nhiệm vụ cao cả mà xã hội đã tôn vinh, người học trân trọng.

Trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, đặc biệt là đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh Tiểu học theo Thông tư 30 thì chữ “tâm” của người thầy vô cùng quan trọng. Người thầy giáo phải hiểu sâu sắc Mục tiêu của việc đánh giá theo Thông tư 30 trước hết là giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên các em vươn lên trong học tập. Đổi mới đánh giá theo Thông tư 30 giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tự học, tự điều chỉnh cách học, giao tiếp hợp tác… Ngoài ra, còn giúp phụ huynh tham gia đánh giá con em mình, hợp tác với nhà trường trong giáo dục học sinh; giúp cán bộ quản lý kịp thời chỉ đạo hoạt động giáo dục có hiệu quả.

Điểm mới nổi bật nhất trong Thông tư 30 là bỏ chấm điểm thường xuyên, thay bằng những nhận xét tuần, nhận xét tháng. Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học đảm bảo nguyên tắc đánh giá phải vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

Điều đáng nói ở đây là đánh giá như thế nào để đảm bảo mục tiêu và nguyên tắc? Kết quả đánh giá học tập thường xuyên của học sinh theo Thông tư 32/2009 chỉ ghi bằng những điểm số tùy theo mức độ đạt được của học sinh ở một thời điểm cụ thể, một bài kiểm tra cụ thể. Nhưng nay đánh giá học sinh thường xuyên bằng nhận xét thông qua việc quan sát, theo dõi, trao đổi…. Cứ nhẩm tính một giáo viên chủ nhiệm dạy nhiều môn, không kể đánh giá bằng lời chỉ tính đánh giá bằng viết vào vở học sinh bình quân mỗi môn một lần mà nhiều môn, nhiều học sinh với ba nội dung về kiến thức, kỹ năng, năng lực và phẩm chất thì một tuần, một tháng có hàng trăm nhận xét. Còn giáo viên dạy các hoạt động giáo dục, dạy nhiều lớp, nhiều học sinh cũng nhận xét không ít mà còn phải mang nhiều sổ điểm nên hết sức vất vả.

Vì vậy, đã có không ít giải pháp đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho giáo viên như khắc nhiều con dấu, mỗi con dấu mang một cụm từ theo ba mức “Giỏi lắm”; “Em làm bài rất tốt”, “Em viết rất đẹp”; “Em có tiến bộ” “Em đạt loại trung bình”; “Em viết chưa đẹp”; “Em tính toán còn chậm”…” v,v để đóng vào vở học sinh. Có ý kiến lại cho rằng nên làm các biểu tượng mặt cười, mặt mếu để đóng vào bài học sinh động viên hay nhắc nhở học sinh thay cho lời nhận xét. Lại có ý kiến chọn ba lời nhận xét thuộc ba mức đánh giá rồi cứ coppy ba lời nhận xét đó cho tất học sinh theo ba đối tượng trong lớp. Hay việc tặng giấy khen cho học sinh cuối năm học qua mà dư luận phản ánh cũng chưa thật hợp lý,…

Với cái “tâm” nhà giáo, chúng ta thử lý giải hiện tượng: Nếu tìm giải pháp chỉ để giảm nhẹ công việc cho giáo viên, thì liệu mục tiêu quan trọng của đánh giá là động viên kịp thời và giúp cho học sinh khắc phục khó khăn vươn lên học tập tốt có thực hiện được không?. Vẫn biết, học sinh có sáng tạo, tiến bộ hay còn hạn chế, yếu viết, yếu tính toán là rất khác nhau, không thể “Lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia” bằng những lời nhận xét cố định, vô tâm và lạnh lùng như thế được.

Đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh Tiểu học từ điểm số bằng lời nhận xét đồng thời mở ra hướng khắc phục để các em sửa chữa đòi hỏi người thầy phải huy động, chắt lọc, lựa chọn từ ngữ phù hợp với kết quả đạt được của từng em học sinh; làm sao cho việc đánh giá không bị trùng lặp giữa học sinh này và học sinh khác, giữa tuần này và tuần khác, tháng này với tháng khác và giúp các em nhận thấy ưu khuyết điểm để khắc phục, phấn đấu học tập đạt kết quả cao hơn. Mỗi lời nhận xét của người thầy dù bằng lời, hay chữ viết cũng phải hết sức thận trọng, sàng lọc kỹ càng. Lời nhận xét đó bao hàm cả “dạy chữ, dạy người” nhằm động viên, khích lệ sự sáng tạo, quyết tâm của học sinh. Lời nhận xét đánh giá của giáo viên vào vở học sinh không những đúng về nghĩa mà còn phải đúng, đẹp về chữ viết. Vì vậy đòi hỏi người giáo viên khi ghi vào vở học sinh phải tự mình nắn nót, luyện từng nét chữ. Vất vả lắm, song một khi xác định được tâm huyết, gắn bó với nghề, vì  học sinh thân yêu, vì mục tiêu chung thì sẽ làm được. Có lẽ chính điểm mới trong đánh giá theo Thông tư 30 đòi hỏi chữ “Tâm” của người thầy càng ưu tiên, càng cấp bách hơn bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển giáo dục nước nhà. Phải để chữ “Tâm” luôn ngự trị trong tâm hồn người thầy mỗi khi đặt bút xuống nhận xét một câu, một lời mới đúng với học sinh và đúng với lương tâm của người thầy giáo, góp phần vào sự đổi mới và phát triển của sự nghiệp giáo dục, của thế hệ tương lai. Để chữ “Tâm” không những bằng ba chữ “Tài” mà còn nhiều, nhiều hơn thế nữa.

Tác giả bài viết: thầy giáo Đặng Thế Dũng