Góp ý thông tư 30 sửa đổi

DỰ THẢO SỬA ĐỔI THÔNG TƯ 30 CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đơn vị: Trường Tiểu học Nam Minh

Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh Tiểu học.

Theo đó, việc đánh giá học sinh Tiểu học được thực hiện theo phương thức quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh Tiểu học.

Có thể nói một cách ngắn gọn về tinh thần của Thông tư 30 là đánh giá học sinh Tiểu học bằng những lời nhận xét trên ba nội dung: kiến thức, năng lực và phẩm chất của học sinh Tiểu học và không chấm điểm.

Tuy nhiên, từ những ý kiến khác nhau khi thông tư 30 được đưa vào áp dụng và này theo nội dung của thông tư dự thảo. Sau khi lấy ý kiến giáo viên tại cơ sở nhà trường, chúng tôi xin góp ý về Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 trên cơ sơ một số thông tin có được về dự thảo như sau:

          Thứ nhất, Về cách thức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 tới rộng rãi đội ngũ là rất hợp lý. Hi vọng sau lần góp ý này thông tư 30 sẽ phản ánh đúng tinh thần, nguyện vọng của đông đảo đội ngũ giáo viên, PHHS, cán bộ quản lý giáo dục, các chuyên gia,…. xã hội.

          Thứ hai, Về những phân tích và góp ý cụ thể:

1/ Theo chúng tôi được biết,

Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 thay cho việc nhận xét, giáo viên sẽ đánh giá học sinh bằng các mức A, B, C. Sự đánh giá này thực chất là lượng hóa cách đánh giá thay cho việc định lượng bằng điểm số, thực chất đây là một giải pháp trung gian giữa hình thức đánh giá bằng điểm số và hình thức đánh giá bằng nhận xét.

Các mức A. B, C có thể hiểu:

Mức A: nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Mức B: nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Mức C: chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Như vậy vô hình dung giáo viên lại quay về cách đánh giá theo thông tư 32 trước kia. Giáo viên dễ dàng “quy” tất cả HS (được coi là học tốt) vào mức A mà không cần quan tâm trong những HS đạt mức A, HS này xuất sắc về vấn đề gì? HS kia xuất sắc về vấn đề khác?… Sẽ không còn việc giáo viên cần phải nắm vững từng đối tượng từng HS trong lớp, nghĩa là 35 HS trong lớp mỗi HS đều có những mặt xuất sắc và hạn chế khác nhau. Điều quan trọng giáo viên cần nắm vững HS này xuất sắc gì? toàn diện ra sao? HS kia xuất sắc về vấn đề gì? chưa toàn diện, cần thúc đẩy những lĩnh vực nào?

Hơn nữa ở các mức chưa có sự phân hóa rõ tất cả đối tượng HS (Chúng tôi hiểu: “mức A: là những HS khá, tốt; mức B là những HS trung bình; mức C là những HS yếu, kém). Cần làm rõ để phân loại mức A.

Đối với năng lực và phẩm chất, giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, đánh giá mức độ hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh theo:

– Mức A: nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin.

– Mức B: nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin.

– Mức C: nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm được, chưa hứng thú, thiếu tự tin.

Tuy nhiên, việc lượng hóa cách đánh giá theo cách thức văn bản này, theo tôi là chỉ có giáo viên mới nắm được các mức A, B, C là gì, còn đối với học sinh và phụ huynh lại phải có sự giải thích rõ, như thế lại tạo ra sự bất cập trong áp dụng.

Mặt khác, việc đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 truyền thống lại thuận tiện, đơn giản và dễ hiểu hơn rất nhiều, đặc biệt đối với quá trình giám sát của phụ huynh và đi kèm cũng có những nhận xét, cho điểm.

Hơn nữa, việc thêm đánh giá giữa kỳ là không cần thiết chỉ làm tăng thêm áp lực cho HS và GV mà thôi (trong khi đang cần giảm áp lực học tập, thi cử để hình thành phẩm chất và năng lực cho HS).

Trên thực tế, tinh thần của Thông tư 30 vẫn là đánh giá học sinh trên ba phương diện kiến thức, năng lực và phẩm chất. Rõ ràng là việc đánh giá quá trình hình thành năng lực và phẩm chất thì không thể dùng điểm số hay lượng hóa được.

Vì thế, theo chúng tôi, việc đánh giá học sinh về mặt kiến thức thì vẫn dùng điểm số, đặc biệt là đối với môn Toán và Tiếng Việt, còn việc đánh giá năng lực, phẩm chất thì nên dùng lời. Có nghĩa là Thông tư nên có sự phân định rạch ròi những nội dung đánh giá để dễ thực hiện và tiện cho quá trình theo dõi của phụ huynh, nghĩa là cần tăng tính khoa học trong quy định cách đánh giá học sinh.

2/ Theo cách lượng hóa A, B, C ở trên thì chỉ mới dừng lại ở cách đánh giá về mặt kiến thức và nhận thức, chứ chưa đánh giá được về năng lực và phẩm chất của học sinh như tham vọng của Thông tư đã đề ra. Trên thực tế là không thể lượng hóa hết được, sẽ thật là nực cười nếu đánh giá lòng nhân ái và tình yêu quê hương đất nước của học sinh theo các mức A, B, C…

Ở đây chúng ta cần thấy rằng, học sinh Tiểu học đang ở độ tuổi tiếp nhận những kiến thức và sự giáo dục ban đầu về hình thành nhân cách và con người. Ở độ tuổi này, ý thức của các em đang dần được hình thành, tâm lý và nhận thức chưa ổn định và, vì thế, chúng ta chưa thể đòi hỏi quá cao đối với các em.

Thực chất, việc giáo dục trong nhà trường đối với các em ở độ tuổi này là giáo dục Phổ cập. Chúng ta không thể đánh giá các em về những gì mà các em chưa được học và chưa có những cơ sở, điều kiện để thể hiện.

Việc đánh giá trên nhiều mặt thể hiện tư tưởng giáo dục toàn diện đối với học sinh là rất tốt, song, thay vì việc tập trung vào nhận xét đánh giá, Bộ Giáo dục nên hướng các giáo viên tập trung vào chất lượng giảng dạy. Mặc dù đang trong quá trình hình thành nhận thức và ý thức, mỗi lớp đều có sự khác nhau. Rõ ràng là từ chỗ các em còn chưa biết đọc, biết viết đến chỗ đã đọc thông, viết thạo và đã có những kỹ năng tính toán ban đầu là khác nhau.

Vì thế, theo chúng tôi chỉ nên chấm điểm hoặc nhận xét các em khi bắt đầu bước sang học kỳ II của lớp 3, đặc biệt là đối với lớp 4 và lớp 5, như thế mới đúng đắn và thực chất.

3/ Chỉ đánh giá định kỳ vào cuối kỳ I và cuối năm (cuối kỳ II) như tinh thần thông tư 30 (đã phân tích ở phần trên).

4/ Về khen thưởng: Cần có việc khen thưởng vào Cuối học kỳ I (bổ sung thêm)

5/ Về hồ sơ đánh giá:

Không cần sổ ghi chép cá nhân (bỏ loại sổ này) mà chỉ cần sổ “Tổng hợp đánh giá theo tháng” và học bạ là đủ. Việc ghi chép trong hồ sơ đánh giá là trách nhiệm của mỗi giáo viên phụ trách môn học mà không phân biệt (GVCN và GV chuyên).

Trên đây là những vấn đề cốt lõi sau khi  thực hiện thông tư 30 và nghiên cứu thông tư dự thảo từ một cơ sở giáo dục, chắc chắn sẽ không khỏi có những hạn chế trong khi tiếp cận và nhìn nhận. Nay kính!

Bình Minh, ngày 6 tháng 9 năm 2016

                                                                                      TM.BGH